top of page

PHÒNG BỆNH ĐÚNG CÁCH CHO TÔM THẺ CHÂN TRẮNG

Cũng như nuôi tôm sú, nuôi tôm thẻ chân trắng cần áp dụng các giải pháp phòng bệnh là chính. Phòng bệnh đúng cách sẽ giúp vụ nuôi thành công và giảm nguy cơ lây dịch bệnh ra cộng đồng.

 

Các biện pháp chung

- Hạn chế các tác động xấu từ môi trường ảnh hưởng đến sức khỏe của tôm như biến đổi của các yếu tố thủy lý, thủy hóa, sự gia tăng của mầm bệnh trong ao.

 

- Ngăn ngừa các nguy cơ gây bệnh từ nguồn giống không đảm bảo, chất lượng nước cấp không đạt yêu cầu, quá trình xâm nhập của mầm bệnh từ bên ngoài do vệ sinh ao nuôi, trang trại chưa phù hợp...

 

- Xử lý triệt để và có trách nhiệm khi bệnh xảy ra: báo ngay đến cơ quan liên quan vấn đề bệnh để xử lý kịp thời, đúng cách.

 

- Phòng bệnh trong quá trình nuôi bao gồm: thực hiện tốt việc quản lý con giống, thức ăn, nguồn nước và theo dõi sức khỏe tôm nuôi.

 

Theo dõi một số yếu tố phản ánh sức khỏe tôm

Cần theo dõi sức ăn của tôm, đây được xem là một trong những dấu hiệu thể hiện rõ nhất tình trạng sức khỏe của tôm. Quan sát hoạt động của tôm trong ao, biểu hiện của tôm vào sàng ăn, các dấu hiệu cảm quan như tình trạng thức ăn trong ruột, các dấu hiệu bên ngoài khác...

 

Bên cạnh dó, theo dõi dấu hiệu lột xác để kiểm soát chặt chẽ độ kiềm của nước, đảm bảo chất lượng nước để tôm phát triển tốt: tăng trọng tối đa và hình thành vỏ mới sau mỗi lần lột xác, đồng thời tăng khối lượng, chất lượng tôm trước khi thu hoạch.

 

Vệ sinh trang trại nuôi: Không xả rác, xả nước thải sinh hoạt; Không nuôi gia súc, gia cầm trong khu vực nuôi; Sử dụng lưới ngăn chim cò, súc vật. Dụng cụ, trang thiết bị sử dụng riêng biệt cho từng ao; Chú ý vệ sinh của công nhân, kỹ thuật lao động khi chăm sóc tôm, nhất là khi ao tôm có bệnh.

.Bệnh IHHNV xảy ra ở tất cả các giai đoạn phát triển của tôm - Ảnh: Phan Thanh Cường 

Sử dụng và quản lý thuốc, hóa chất hợp lý

Mô hình nuôi TTCT thâm canh phải áp dụng nghiêm ngặt các giải pháp quản lý việc sử dụng thuốc và hoá chất: Chỉ sử dụng khi thật cần thiết, không lạm dụng; Chỉ sử dụng thuốc, hóa chất được phép; Cần bảo quản thuốc, hóa chất đúng cách; Ghi chép cẩn thận mọi thông tin liên quan đến việc sử dụng thuốc, hóa chất.

 

Chất thải và xử lý chất thải

Dụng cụ thu hoạch, cách thu hoạch cần chú ý lây nhiễm giữa các ao: sử dụng dụng cụ thu hoạch riêng rẽ cho từng ao hoặc vệ sinh kỹ (giặt sạch, phơi ráo) trước khi sử dụng tiếp cho ao khác. Nước thải và chất lắng đọng phải được xử lý đạt yêu cầu trước khi thải ra ngoài môi trường xung quanh: Nếu cần phải thải ngay, phải để lắng và xử lý bằng hóa chất diệt khuẩn hoặc có thể dùng cá (rô phi) thả nuôi trong ao xử lý nước thải, đây là phương pháp xử lý sinh học, sau một khoảng thời gian, kiểm tra các yếu tố môi trường đạt yêu cầu mới được thải ra môi trường ngoài.

Đối với bùn ao: Phải xử lý phù hợp bùn ao nuôi thủy sản sau thu hoạch bằng cách bùn được bơm, hoặc chở đến bãi xử lý chất thải cách xa khu vực nuôi.

 

Một số biện pháp phòng bệnh

 

Biện pháp chung:

- Chọn tôm giống sạch bệnh, đã qua kiểm dịch; Phòng tránh sự xâm nhập của virus vào ao bằng cách: làm tốt công tác tẩy dọn, vệ sinh trước và sau một vụ nuôi. Hạn chế hoặc tiêu diệt các sinh vật trung gian (cua, còng, tôm hoang dã…) bằng các sản phẩm an toàn, sát trùng nước trước khi cấp vào ao nuôi.

 

- Thả nuôi tôm đúng theo lịch thời vụ nhằm tránh mùa mà bệnh thường xuất hiện. Khi bệnh đã xảy ra, cần dùng thuốc sát trùng với nồng độ cao: Chlorine >70ppm diệt virus và sinh vật mang virus (tôm) trước khi thải ra môi trường để hạn chế sự lây lan trên diện rộng. Lập tức báo ngay cho cơ quan quản lý thủy sản để được hướng dẫn và xử lý dập dịch.

 

Dấu hiệu bệnh:

- Tôm thường bị bệnh và chết hàng loạt ở giai đoạn từ 25 đến 45 ngày. Khi chết bên ngoài ít có biểu hiện rõ ràng (tôm chết đẹp) hoặc màu sắc nhợt nhạt, ruột không có thức ăn, giải phẫu bên trong gan tụy bị teo. Loại vi khuẩn Vibrio Parahaemolyticus rất phổ biến trong môi trường nước lợ, mặn và trên tôm.

 

- Vi khuẩn Vibrio Parahaemolyticus xâm nhập vào ao nuôi theo một số con đường: Nguồn nước, tôm giống, thức ăn, đặc biệt là thức ăn tươi sống và từ đáy ao nếu công tác tẩy dọn chưa tốt.

 

Áp dụng tổng hợp các biện pháp để hạn chế bệnh như sau:

- Định kỳ dùng chế phẩm vi sinh (Probiotic), giảm độ mặn nước ao nuôi xuống 15 - 20%, quản lý tốt hệ phiêu sinh trong ao tức quản lý tốt màu nước ao.

 

- Tránh lấy nước biển vào ao trong các ngày biến động do bão, gió mùa hay áp thấp nhiệt đới vì khi đó mật độ Vibrio rong nước biển ven bờ có thể tăng lên nhiều lần so với bình thường.

 

- Tăng cường hệ miễn dịch tự nhiên của tôm bằng quản lý môi trường tốt và bổ sung một số sản phẩm như Vitamin C, A, E... vào thức ăn.

 

                                                                                                                                         Đoàn Quân

                                                                                                                                        Nguồn: tạp chí thủy sản

PHÒNG BỆNH IHHNV TRÊN TÔM NUÔI NƯỚC LỢ

Kết quả xét nghiệm của Chi cục Thú y một số tỉnh ĐBSCL cho thấy, tỷ lệ mẫu tôm bệnh dương tính đối với bệnh hoại tử dưới vỏ và cơ quan tạo máu (IHHNV) trên tôm sú và tôm thẻ chân trắng là khá cao, gây ra những thiệt hại đáng kể trên tôm nuôi. Do đó, chủ động phòng ngừa bệnh này là vô cùng cần thiết.

 

Nguyên nhân, biểu hiện bệnh

Bệnh IHHNV xảy ra trên cả tôm sú và TTCT ở tất cả các giai đoạn phát triển tác nhân gây bệnh là do virus Infectious hypodermal và hematopoietic necrosis. Loại virus này sau khi xâm nhập vào cơ thể tôm sẽ phá hủy các tế bào tuyến, hệ bạch huyết tế bào thần kinh và có thể lây truyền theo chiều dọc lẫn chiều ngang. Trong quá trình phát bệnh, những cá thể tôm nào mang mầm bệnh sống sót được thì cũng sẽ mang virus suốt vòng đời và đương nhiên sẽ truyền virus gây bệnh này cho thế hệ sau. Bên cạnh đó, bệnh này cũng lây lan nhanh chóng cho những cá thể tôm khác trong ao nuôi khi tôm khỏe ăn tôm bệnh.

 

Khi các yếu tố môi trường ao tôm bất lợi cộng với sức đề kháng của tôm yếu thì tôm mang mầm bệnh sẽ phát bệnh với biểu hiện chung là tôm bị hôn mê, bơi lờ đờ và chủy bị biến dạng. Đối với tôm sú, khi biểu hiện bệnh tôm thường chuyển sang màu xanh, cơ bụng có màu trắng đục và tôm thường chết nhiều trong giai đoạn 10 - 20 ngày sau khi thả giống. Bệnh này trên tôm TTCT dù không gây thiệt hại nghiêm trọng nhưng khiến tôm kém ăn, tăng trưởng của tôm giảm từ 10 - 30%, tôm bị còi cọc, phần chủy bị cong, các phụ bộ ở phần đầu ngực bị biến dạng, vỏ tôm bị sần, râu tôm quăn queo.

Bệnh IHHNV xảy ra ở tất cả các giai đoạn phát triển của tôm - Ảnh: Phan Thanh Cường 

Cách phòng và trị bệnh

Bệnh IHHNV do virus gây ra nên việc điều trị khi bệnh xảy ra là rất khó và hiện nay chưa có thuốc đặc trị. Chính vì vậy, việc phòng bệnh là quan trọng nhất với các giải pháp chủ yếu là chọn nguồn giống tốt, cải tạo ao nuôi đúng quy trình kỹ thuật và áp dụng các biện pháp nuôi tôm an toàn sinh học.

 

Cụ thể, người nuôi tôm không nên mua tôm giống từ các nguồn trôi nổi mà mua từ các trại giống có uy tín đã được cơ quan chức năng chứng nhận đạt điều kiện vệ sinh thú y, đảm bảo điều kiện cơ sở sản xuất giống thủy sản. Đặc biệt, tôm giống trước khi đặt mua phải có chứng nhận kiểm dịch âm tính với các bệnh nguy hiểm trên tôm nuôi theo quy định của Bộ NN&PTNT.

 

Ao nuôi tôm phải có thời gian ngưng giữa 2 vụ trên 1 tháng để đủ thời gian cải tạo ao đầm, cắt mầm bệnh. Khâu cải tạo ao phải theo đúng quy trình, theo lịch  mùa vụ của cơ quan chức năng nhằm tiêu diệt hết mầm bệnh, vật chủ trung gian truyền bệnh. Trong quá trình cải tạo ao đầm chỉ được dùng các loại hóa chất được phép sử dụng trong nuôi trồng thủy sản trong quá trình cải tạo, xử lý môi trường nuôi thủy sản.

 

Trong quá trình nuôi, cần theo dõi chặt chẽ diễn biến môi trường ao nuôi, thực hiện các biện pháp quản lý môi trường nhằm đảm bảo các yếu tố thủy lý hóa nằm ở mức tối ưu cho sự phát triển của tôm, như: độ mặn 10 - 25‰, pH 7,5 - 8,5; độ kiềm 80 - 120 mg/l; độ trong 30 - 35 cm, ôxy hòa tan trên 5 mg/l, giảm thiểu khí độc, diệt khuẩn và sử dụng men vi sinh định kỳ để kiểm soát mật độ vi khuẩn có hại trong ao nuôi.

 

Bên cạnh đó, cần tăng cường sức đề kháng cho tôm bằng cách bổ sung thường xuyên vitamin (nhất là Vitamin C), khoáng chất, men tiêu hóa, chất tăng cường hệ miễn dịch vào thức ăn cho tôm. Không nên dùng kháng sinh để phòng bệnh cho tôm do có liên quan đến tình trạng kháng thuốc trên vi khuẩn và vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, nhất là không được dùng các loại hóa chất kháng sinh cấm sử dụng trong nuôi trồng thủy sản. Việc quản lý chặt chẽ thức ăn trong nuôi tôm cũng rất quan trọng bởi nếu thức ăn dư thừa sẽ dẫn đến ô nhiễm môi trường ao tôm, từ đó tạo điều kiện thuận lợi phát sinh dịch bệnh và làm tăng chi phí sản xuất.

 

Trong trường hợp tôm nuôi phát hiện có dấu hiệu bị bệnh IHHNV, bà con nuôi tôm cần báo ngay với cán bộ thú y địa phương để xác định bệnh tính và có biện pháp xử lý thích hợp; đồng thời, báo với các hộ nuôi tôm xung quanh biết để chủ động phòng bệnh. Hộ nuôi tôm không được tự ý xả nước từ ao nuôi tôm bệnh ra môi trường bên ngoài mà phải được xử lý bằng Chlorine hoặc TCCA nồng độ tối thiểu 30 ppm để tiêu diệt mầm bệnh và chỉ xả nước ra bên ngoài sau ít nhất 15 ngày xử lý hóa chất dập dịch. 

 

>> IHHNV là một trong 5 loại bệnh trên tôm được Bộ NN&PTNT đưa vào danh mục bệnh nguy hiểm được hỗ trợ con giống khôi phục sản xuất theo Thông tư 21/2014/TT-BNNPTNT ngày 26/6/2014.

 

Thành Công 

Nguồn: Tạp chí thủy sản

 

CHẾ PHẨM SINH HỌC, TÁC NHÂN ỨC CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA VI RÚT TRONG NUÔI TÔM

Ngành nuôi tôm hiện được coi là ngành sản xuất lương thực chính, đóng góp quan trọng trong việc cung cấp nguồn protein cho nhu cầu tiêu dùng của con người. Tuy nhiên, trong vài thập kỷ qua, dịch bệnh xảy ra trên tôm ở nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là các nước châu Á đã gây ra tổn thất nặng nền về kinh tế và hạn chế sự phát triển của nghề nuôi tôm. Kháng sinh đã được sử dụng trong điều trị bệnh cho tôm, song việc lạm dụng thuốc kháng sinh đã gây ra những ảnh hưởng tiêu cực. Hiện nay, chế phẩm sinh học được lựa chọn như là giải pháp thay thế tối ưu cho việc dùng thuốc kháng sinh. Chế phẩm sinh học giúp tăng cường hệ miễn dịch tự nhiên, do vậy tăng sức đề kháng ở tôm. Ngoài việc là các vi khuẩn có lợi, chế phẩm sinh học ức chế các hoạt động của vi rút. Do vậy, việc ứng dụng chế phẩm sinh học trong phòng và trị bệnh trên tôm là phương pháp mới và có hiệu quả.

 

Ảnh minh họa 

         Chế phẩm sinh học trong nuôi tôm

 

         Theo truyền thống, chế phẩm sinh học được định nghĩa là “các vi sinh vật sống mà khi được bổ sung vào thức ăn sẽ giúp lấy lại sự cân bằng trong hệ tiêu hóa của vật chủ.” 

 

         Trong nuôi trồng thủy sản, việc sử dụng chế phẩm sinh học cần cân nhắc một vài yếu tố vì hệ vi sinh vật trong bộ máy của vật chủ không tồn tại độc lập. Nó chịu ảnh hưởng của môi trường và vật chủ. Do vậy, thuật ngữ ‘chế phẩm sinh học’ trong nuôi trồng thủy sản được định nghĩa là ‘một vi sinh vật tác động có lợi lên vật chủ như thay đổi cộng đồng vi sinh vật xung quanh vật chủ, đảm bảo cải thiện việc tiêu hóa thức ăn và tăng cường giá trị dinh dưỡng, tăng khả năng kháng bệnh, và cải thiện môi trường xung quanh vật chủ.”

 

         Khác với tôm và cá nước mặn, quần thể vi sinh vật của các loài nước ngọt chủ yếu là các loài vi sinh vật họ Aeromonas, Plesiomonas, các vi khuẩn kị khí như Bacteroides, Fusobacterium và Eubacterium, axit lắc tích sản xuất ra các vi khuẩn ở trong ruột của tôm, chủ yếu là họ Carnobacterium. Tuy nhiên, trong nuôi trồng thủy sản, vi khuẩn Vibriospp., Bacillus spp., axit lắc tích và vi tảo thường được tận dụng như là chế phẩm sinh học giúp tăng trưởng và nâng cao tỷ lệ sống của loài thủy sản nuôi, đồng thời giảm mầm bệnh. Các dòng vi sinh vật này được công nhận là có hiệu quả hơn so với việc sử dụng thuốc kháng sinh và các hóa chất. Gần đây, các vi khuẩn có lợi đã được chiết xuất từ nước biển, chất cặn, và bộ máy của các loài thủy sản nuôi có khả năng sản xuất ra các chất ức chế mầm bệnh.

 

         Ứng dụng chế phẩm sinh học trong nuôi tôm

        Hoạt động của chế phẩm sinh học được điều chỉnh bởi một loạt các ảnh hưởng phụ thuộc vào bản thân dòng chế phẩm sinh học, liều lượng sử dụng, thời gian sử dụng, liều lượng sử dụng. Một vài dòng chế phẩm sinh học đã chứng minh có hiệu quả bằng cách sản sinh ra thuốc kháng sinh như bacteriocin có thể ức chế các loại vi khuẩn hay vi rút khác. Một số dòng chế phẩm sinh học khác ức chế việc di chuyển của vi khuẩn vào thành ruột, tăng cường chức năng bảo vệ bằng chất nhầy bằng cách tăng việc sản xuất các phân tử miễn dịch một cách tự nhiên, hay điều chỉnh phản ứng miễn dịch.

 

         Một vài nghiên cứu đã chứng minh hiệu quả của các dòng chế phẩm sinh học ứng dụng trong nuôi tôm. Chẳng hạn, chế phẩm sinh học dòng Bacillus S1, được chiết xuất từ ruột của tôm giống bố mẹ ở vịnh Thái Lan, đã chứng minh có hiệu quả. Thử nghiệm được tiến hành đối với tôm PL30. Một nhóm được nuôi bằng thức ăn có bổ sung chế phẩm sinh học và nhóm còn lại được nuôi bằng thức ăn thông thường. Sau 100 ngày có sự khác biệt lớn về mức độ tăng trưởng, tỷ lệ sống và hình dáng giữa hai nhóm. Sau khi thử thách tôm với mầm bệnh, vi khuẩn Vibrio harveyi trong mười ngày, toàn bộ nhóm được nuôi thức ăn có bổ sung chế phẩm sinh học có tỷ lệ sống 100%, trong khi nhóm còn lại có tỷ lệ sống là 26%.

 

         Việc lựa chọn các dòng chế phẩm sinh học nên được xem xét cẩn thật. Mức độ an toàn của việc sử dụng chế phẩm sinh học có thể được khẳng định qua kinh nghiệm. Các dòng chế phẩm sinh học không chỉ đóng vai trò là thức ăn mà còn đóng vai trò kiểm soát sinh học đối với bệnh tôm và là các hoạt chất tạo ra dinh dưỡng. Do vậy, kiểm soát sinh học trong nuôi trồng thủy sản nảy sinh và các nghiên cứu liên tục phát triển. Nhìn chúng, vi khuẩn tồn tại dưới hai dạng chính: vi khuẩn có lợi và vi khuẩn mang mầm bệnh. Các vi khuẩn có lợi đóng vai trò quan trọng trong việc tái sử dụng các chất dinh dưỡng và phân hủy các chất hữu cơ, nhờ đó, môi trường nuôi được trong sạch. Các vi khuẩn mang mầm bệnh là tác nhân làm giảm chất lượng nước và gây bệnh.

 

       Việc sử dụng dòng chế phẩm Bacillus sp mang lại các hiệu quả như: sản xuất chất kháng sinh, bacteriocin, lysozyme, proteases và thay đổi nồng độ pH bằng cách sản sinh ra các axit hữu cơ. Ngoài ra, chế phẩm sinh học cũng tác động đến hệ miễn dịch của cá, tôm và các loài thủy sản khác. Streptomyces đã được sử dụng như là chế phẩm sinh học trong nuôi thí nghiệm tôm sú. Các chỉ số về chất lượng nước tốt hơn nhiều so với nuôi trong bể chứa và chỉ số tăng trưởng được cải thiện rõ rệt. Một vài sản phẩm chế phẩm sinh học khác như Super-biotic, Super Ps, Zymetin, và Mutagen đã được chứng minh có vai tròng quan trọng trong việc sản xuất tôm giống do các dòng chế phẩm sinh học này giúp cải thiện chất lượng nước trong suốt quá trình nuôi. Tương tự, dòng chế phẩm sinh học Bacillus subtilis E20, được chiết xuất từ thức ăn của người, đã được áp dụng trong sản xuất giống tôm chân trắng Litopenaeus vannamei, giúp giảm đáng kể tỷ lệ chết.

 

         Chế phẩm sinh học trong việc kích hoạt hệ thống miễn dịch của tôm

         Tôm là loài thủy sản có hệ thống miễn dịch kém phát triển và chế phẩm sinh học đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện hệ thống miễn dịch ở tôm. Khi được bổ sung vào thức ăn với liều lượng 1010 cfu/kg trong vào 168 giờ, chế phẩm sinh học dòng Lactobacillus plantarum đã giúp tăng cường hệ thống miễn dịch và tác động đến gen của tôm chân trắng (Litopenaeus vannamei),  tác động đến cả hệ miễn ở tế bào và ở dịch trong tôm và giúp tăng cường hoạt động của phenoloxidase (PO), prophenoloxidase (ProPO).

 

         Dòng chế phẩm Pediococcus acidilactici cũng được chứng minh có hiệu quả trong việc chống ô xi hóa và thừa ô xi trong tế bào ở tôm chân trắng khi được thử nghiệm với vi khuẩn Vibrio nigripulchritudo.

          Một vài dòng vi khuẩn Vibrio spp cũng được coi là chế phẩm sinh học tiềm năng trong nuôi tôm chân trắng. Một số dòng được thử nghiệm như V. alginolyticus (NCIMB 1339) và V. gazogenes đã chứng minh có hiệu quả trong việc điều trị bệnh do vi khuẩn Vibrio gây ra. Khi tôm non được cho ăn thức ăn có bổ sung ki-tin và V. gazogenes, thì số lượng khuẩn Vibrio giảm đáng kể trong ruột tôm. Như vậy, Vibrio và hỗn hợp ki-tin đã làm thay đổi đáng kể số lượng hồng cầu, phản ảnh hệ miễn dịch của tôm được tăng cường.

 

         Chế phẩm sinh học trong điều trị bệnh trên tôm

        Chế phẩm sinh học có khả năng tăng cường hệ miễn dịch trong tôm và cá. Đối với việc phòng bệnh, việc tăng cường khả năng kháng bệnh và phát triển khả năng miễn dịch là lựa chọn tốt nhất trong việc phòng ngừa và điều trị bệnh.

 

          Hệ miễn dịch trên tôm

         Cá và tôm rất khác nhau về khả năng miễn dịch. Cơ chế bảo vệ của tôm yếu con và không có khả năng sản xuát ra globulin miễn dịch. Loài tôm hoàn toàn dựa vào hệ miễn dịch bẩm sinh, bao gồm dịch và tế bào hoạt động phối hợp với nhau để phát hiện và loại trừ các chất hữu cơ bên ngoài nguy hiểm cho vật chủ.

 

          Phản ứng miễn dịch ức chế vi rút ở tôm

         Phản ứng miễn dịch ở tôm được nhận biết qua thụ thể nhận dạng mầm bệnh (PRRs). Khi một vi rút vào trong cơ thể tôm, các tế bào bị nhiễm vi rút chứa các thành phần vi rút như gen DNA hay RNA và các thành phần này được cảm nhận bởi PRRs. PRRs gây ra các phản ứng chống vi rút thích hợp và hiệu quả như sản sinh ra các xytokin khác nhau kích thích các phản ứng miễn dịch phù hợp. Các phản ứng miễn dịch này bao gồm nhiều proten và gen chống vi rút, các chất kích thích miễn dịch hỗ trợ các phản ứng miễn dịch chống vi rút.    

 

         Hoạt động ức chế vi rút của chế phẩm sinh học

        Hoạt động ức chế vi rút của chế phẩm sinh học được nghiên cứu bằng phương pháp plaque. Theo phương pháp này, chế phẩm sinh học và vi rút được trộn lẫn với số lượng bằng nhau, sau đó được cấy vào tế bào và hoạt động chống vi rút được theo dõi qua tỷ lệ giảm.

 

         Một mô hình nuôi tế bào eukaryotic được đề xuất để nghiên cứu hoạt động ức chế vi rút của chế phẩm sinh học. Phương pháp này dựa trên cơ chế hoạt động của chế phẩm sinh học. Chế phẩm sinh học sẽ loài trừ các mầm bệnh bằng cách cạnh tranh vị trí bám và kích thích cơ chế miễn dịch của vật chủ. Các nghiên cứu chống vi rút trong mô hình nuôi tế bào bao gồm:

 

        Thử nghiệm các lớp đơn bào với vi khuẩn: Trước tiên, các lớp đơn bào được ủ với chế phẩm sinh học và các vi khuẩn tự do bị đẩy ra. Sau đó, các lớp đơn bào này được thử nghiệm trực tiếp với vi rút và được ủ. Tế bào nào sống sót được coi là có khả năng ức chế vi rút.

 

        Hiệu quả kháng vi rút của bề mặt vi khuẩn: Sau khi ủ, chế phẩm sinh học được tập hợp lại và bổ sung vào các lớp đơn bào và được thử nghiệm với vi rút. CPE được xác định sau khi ủ để xác định hoạt động ức chế vi rút. Để áp dụng phương pháp này, phương pháp nuôi là rất quan trọng, đồng thời các yếu tố sinh, lý hóa của dòng chế phẩm sinh học và loài vi rút được dùng để thử nghiệm cũng cần được xem xét cẩn thận.

 

        Nhìn chung, vi rút trong phòng thí nghiệm được thử nghiệm với các lớp đơn bào phù hợp, và mức độ tăng trưởng của vi rút được xác nhận qua các nghiên cứu CPE. Chẳng hạn, vi rút Taura được nuôi trong huyết bào của tôm chân trắng. Mức tăng trưởng của vi rút được khẳng định qua quá trình nghiên cứu CPE trong huyết bào của tôm trong thời gian 6 giờ, 12 giờ và 48 giờ. Theo cách tương tự, chế phẩm sinh học cũng có thể được bổ sung vào các lớp đơn bào này và CPE có thể được nghiên cứu cho hoạt động chống vi rút của chế phẩm sinh học.

 

        Kết luận và triển vọng

       Vấn đề dịch bệnh và môi trường trong nuôi tôm đã gây ra mối lo về sự phát triển bền vững của nghề nuôi tôm. Các giống tôm sạch bệnh được chứng nhận và ao nuôi đủ điều kiện được coi là hai bước quan trọng nhất trong việc ngăn ngừa dịch bệnh. Một vài biện pháp đã được áp dụng trong quản lý sức khỏe tôm để ngăn ngừa dịch bệnh bao gồm lựa chọn tôm giống, giống bố mẹ sạch bệnh, hệ thống nuôi khép kín, hệ thống tuần hoàn, áp dụng chế phẩm sinh học và một số hình thức nuôi tôm an toàn sinh học. Thực tế đã cho thấy, việc sử dụng các sản phẩm chế phẩm sinh học và vitamin rất hiệu quả trong việc quản lý sức khỏe tôm và giảm bệnh dịch bằng cách củng cố cơ chế bảo vệ tự nhiên của đàn giống.

 

         Dịch bệnh trong nuôi tôm là một vấn đề nghiêm trọng do việc lạm dụng và sử dụng sai thuốc kháng sinh đối trong việc phòng chống các bệnh do vi khuẩn gây ra như Vibrio. Việc áp dụng chế phẩm sinh học kháng vi rút trong nuôi tôm là một giải pháp mới và an toàn. Tuy nhiên, chế phẩm sinh học đã được chứng minh có hiệu quả từ lúc bắt đầu nuôi hơn là sau khi có dịch bệnh. Do vậy, cách tốt nhất là bổ sung chế phẩm sinh học vào thức ăn hàng ngày của tôm để phòng ngừa việc nhiễm các loại vi khuẩn khác nhau và giúp tăng cường sức khỏe loài nuôi, nhờ vậy giúp tăng sản lượng nuôi.

                                                                                                                                                      FICen

                                                                                                                                     http://www.fistenet.gov.vn/

CẢI TẠO NGUỒN NƯỚC BẰNG CHẾ PHẨM SINH HỌC

Vấn đề ô nhiễm nguồn nước hiện nay gây ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển nuôi trồng thủy sản. Chính vì thế việc áp dụng các tiến bộ mới trong công nghệ sinh học để nuôi thủy sản bền vững, giảm tác động xấu tới môi trường là rất cần thiết. Một trong những lựa chọn hiệu quả đó là sử dụng chế phẩm sinh học trong quá trình nuôi. 

 

Chế phẩm sinh học là sản phẩm có chứa vi sinh vật sống nhằm mục đích cải thiện môi trường và vật nuôi. Trong nuôi thủy sản, sử dụng chế phẩm sinh học (còn gọi là men vi sinh) nhằm mục đích cải thiện môi trường (nước và nền đáy ao), tăng sức khỏe vật nuôi, tăng khả năng hấp thu thức ăn... góp phần tăng năng suất và sản lượng.

Hiện nay trên thị trường có rất nhiều loại chế phẩm sinh học được sử dụng với các mục đích khác nhau dựa trên đặc tính của từng loại. Có thể thấy các lợi ích to lớn của chế phẩm sinh học trong nuôi trồng thủy sản:


- Phân hủy các chất hữu cơ trong nước, hấp thu xác tảo chết và làm giảm lớp bùn ở đáy ao.

 

- Giảm các độc tố trong môi trường nước do các chất khí: NH3, H2S… phát sinh, do đó giảm mùi hôi trong nước, giúp tôm cá phát triển tốt.

 

-  Nâng cao khả năng miễn dịch của động vật thủy sản. Ức chế sự hoạt động và phát triển của các vi khuẩn có hại do quá trình tăng sinh làm cho số lượng vi khuẩn có lợi tăng lên lấn át và kìm hảm hãm sự phát triển của các vi khuẩn gây hại, do đó hạn chế mầm bệnh phát triển. Cần bổ xung chế phẩm sinh học định kỳ vào ao nuôi nhằm đảm bảo vi khuẩn có lợi tồn tại trong ao với số lượng lớn và để phòng bệnh cho động vật thủy sản

.
- Ổn định pH của nước, ổn định màu nước do chế phẩm sinh học hấp thu chất dinh dưỡng hòa tan trong nước hạn chế tảo phát triển nhiều, giảm chi phí xử lý nước trong quá trình nuôi, tăng oxy hòa tan trong nước giúp động vật thủy sản khỏe mạnh và phát triển. Khi trộn chế phẩm sinh học vào thức ăn có tác dụng hỗ trợ tiêu hóa, giúp hấp thu tốt thức ăn, làm tăng hiệu quả sử dụng thức ăn (giảm hệ số thức ăn), thúc đẩy tăng trưởng.

 

Sử dụng men vi sinh trong nuôi trồng thủy sản còn có tác dụng hạn chế việc sử dụng hóa chất bừa bãi, gây tác động xấu đến môi trường sinh thái và ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm. Chính vì thế trong những năm qua, thành phố Hà Nội đã xây dựng các mô hình nuôi trồng thủy sản sử dụng chế phẩm sinh học, điều này góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân và từng bước tạo ra những mô hình nuôi sạch, an toàn và bền vững.

Theo Trung tâm giống thủy sản Hà Nội 

Ứng dụng enzymes và vi sinh có lợi trong ao nuôi thủy sản

Trong nuôi trồng thủy sản, các tác động môi trường như chất lượng nước giảm cấp và đáy ao bẩn đang là những vấn đề thách thức và nan giải. Các hoạt động nuôi thủy sản thâm canh thường đưa đến việc hình thành và tích lũy chất hữu cơ ngày càng cao làm hủy hoại chất lượng nước và đáy ao nuôi do sự tích lũy các chất độc trong ao như ammonia, nitrite và hydrogen sulfide, điều này làm thay đổi thành phần vi khuẩn trong đất và nước ao nuôi, làm gia tăng sự có mặt các vi khuẩn gây bệnh, đưa đến sự bùng nổ dịch bệnh cho tôm cá nuôi. Bài báo này nhấn mạnh các giải pháp cải thiện chất lượng nước và đất trong ao nuôi thủy sản. Môi trường nuôi được cải thiện tốt sẽ cải thiện chất lượng và năng suất tôm cá nuôi.

ỨNG DỤNG TRỰC TIẾP ENZYMES TRONG AO NUÔI

Một trong các cách để cải thiện chất lượng nước và đất cho ao nuôi thủy sản là ứng dụng trực tiếp enzymes và vi sinh có lợi trong ao nuôi, đây là tiếp cận thân thiện môi trường, là giải pháp ứng dụng vi sinh vật để giảm thiểu các loài vi khuẩn gây bệnh, gia tăng quá trình khoáng hóa hữu cơ và loại bỏ các chất thải không mong muốn thông qua một số enzymes đặc hiệu – Phương pháp này được gọi là “Sự điều chỉnh sinh học” – “Bioremediation”.

 

Trong tiến trình điều chỉnh sinh học, enzymes đóng vai trò là chất xúc tác để đẩy nhanh các phản ứng sinh hóa trong đất và nước ao nuôi. Khi được đưa vào nước hoặc rải trên bề mặt đáy ao, enzymes sẽ có khả năng phân hủy nhiều hợp chất hữu cơ có mặt trong ao nuôi tôm cá. Mỗi enzymes có phản ứng đặc trưng riêng cho mỗi kiểu xúc tác của nó, ví dụ enzymesProtease có khả năng thủy phân các protein không hòa tan, cellulase xúc tác bẻ gãy cáccellulose,

β-Glucosidase xúc tác để thủy giải và giảm cấp sinh học các β-Glucosides có mặt trong các mãnh vỡ thực vật, lipase xúc tác cho các chất béo.

 

Bảng 1. Các loại enzymes sử dụng trong nuôi thủy sản

Enzymes cũng được sản xuất tự nhiên do vi sinh vật tiết ra (enzymes ngoại bào), chẳng hạn như cellulose, protease và amylase được sản xuất trong quá trình lên men hiếu khí các chất hữu cơ bởi vi sinh vật, ví dụ một số loài Bacillus. Các chủng Bacillus thường thấy trong nền đáy ao nuôi và cũng có thể đưa vào ao nuôi để thực hiện quá trình điều chỉnh sinh học – Bioremediation. Một số Bacillus sp. có khả năng phân hủy hợp chất ni tơ cũng như các enzymes tiết ra bởi các loài Bacillus sp. này có thể giúp đẩy nhanh quá trình phân hủy hợp chất hữu cơ và các sản phẩm độc như ammonia.

 

Một số enzymes có thể hoạt động tốt trong những môi trường khác biệt trong khi một số vi sinh vật lại bị hạn chế môi trường sống (theo các yếu tố pH, oxy,…). Một số enzymes hoạt động tốt trong nhiều môi trường thậm chí chúng có thể hoạt động tốt ngay cả khi môi trường đó thay đổi khắc nghiệt, đặc biệt chúng có thể cố định một thời gian trên các sinh vật trung gian, chẳng hạn protease có thể hoạt động hiệu quả giữa pH 4 đến 11 ở nhiệt độ 20 đến 70oC. Thuận lợi của đặc điểm cố định có thể giúp bảo quản độ hoạt động enzymes và tái sử dụng nó.

 

Gần đây, đang có nhiều quan tâm sản xuất enzymes mặc dù chi phí phân lập, tinh sạch và sản xuất khá cao nhưng một số sản phẩm enzymes đã được sử dụng trong nuôi trồng thủy sản.

 

Lợi ích của phương pháp “Điều chỉnh sinh học” – “Bioremediation” :

Enzymes có khả năng ổn định các chất hữu cơ trong đất và có thể được sử dụng một cách hiệu quả để quản lý chất lượng đất và một số điều kiện nuôi cho các loài nuôi thủy sản. Không có một loại enzyme đặc hiệu nào có thể có hiệu quả cho mọi tác dụng mà thường phải pha chế hỗn hợp các enzymes để đạt hiệu quả cao nhất trong điều chỉnh sinh học cho ao nuôi thủy sản. Tính hiệu quả này đòi hỏi hỗn hợp enzymes pha chế phải đáp ứng:

 

- Xúc tác cho việc phân giải các chất hữu cơ (chẳng hạn như phân thải tôm, cá, tảo chết và thức ăn thừa,…)

- Bẻ gãy các chất rắn lơ lững (tách các chất keo tụ), giảm thiểu sự tích lũy chất thải.

- Giảm chất thải rắn

- Phân hủy các mảnh vỡ thực vật

- Giảm quá trình kỵ khí trong đáy ao

- Phân hủy các chất dinh dưỡng phức hợp

- Phóng thích các chất dinh dưỡng hòa tan

 

Nhiều enzymes có khả năng mạnh trong việc phân hủy các chất thải cũng như giảm nhanh quá trình kỵ khí của đáy ao. Chúng gia tăng quá trình phân giải hữu cơ, bao gồm thức ăn thừa, tảo chết, đất khoáng, phân thải và các vi sinh vật gây bệnh trong đất nơi bị kỵ khí. Tuy nhiên, hầu hết quá trình “Điều chỉnh sinh học” xúc tác bởi enzymes đều có sự hiện diện quan trọng của các vi sinh vật có lợi. Enzymes đẩy nhanh tiến trình vi sinh bằng cách giúp bẻ gãy các phân tử lớn của chất thải vì thể tạo bề mặt tiếp xúc lớn hơn cho vi sinh vật có lợi tiếp tục tiến trình phân giải và lên men của chúng. Hiệu quả của tiến trình này có thể thấy rõ thông qua chất lượng nước và chất lượng đất tốt hơn.

Như vậy việc phối hợp các enzymes (amylase, xylanase, cellulase, protease) và vi khẩn tạo enzymes (chẳng hạn Bacillus sp.) gia tăng tiến trình tiền tiêu hóa các chất dinh dưỡng phức hợp và thúc đấy việc phóng thích các chất dinh dưỡng dễ tiêu hóa hơn. Điều này giúp giảm tích lũy chất thải và hữu cơ trong ao cũng như hạn chế quá trình iếm khí ở đáy ao, vì thế cải thiện điều kiện nuôi cho tôm cá.

 

TS. Nguyễn Duy Hòa (dịch)

NUÔI CÁ CẢNH KHÔNG CẦN THAY NƯỚC

Nuôi cá cảnh không cần thay nước sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian, công sức. Thậm chí có nhiều người vì thay nước quá nhiều sẽ làm cá bị sock nước và chết. Sau đây là một số cách có hiệu quả rất cao trong việc giữ gìn nguồn nước hồ cá luôn trong sạch.

Chắc chắn là hồ cá bạn phải có sử dụng hệ thống máy lọc nước tốt hoạt động 24/24h thì hồ cá mới trong sạch được 1 phần, ngoài ra bạn có thể sử dụng kết hợp thêm các chế phẩm sinh học làm trong nước hồ cá, các chế phẩm này làm tăng cao hiệu quả giữ gìn nước bể cá luôn trong sạch cũng như hạn chế được các mầm bệnh cho cá cảnh.

- Chế phẩm sinh học này có tác dụng tiêu hủy phân của cá thải ra và các chất cặn bả, thức ăn dư thừa trong hồ, các chất rắn lơ lững trong nước, đồng thời tăng hàm lượng oxi trong nước cho cá.

- Giúp cho hồ cá không bị rêu bám: Có 1 số loài cá không thể nuôi chung với cá lau kiếng, vì thế hồ của các bạn thường xuất hiện rêu xanh nếu nặng hoặc nhẹ cũng bị rêu bám mà mắt thường không thể thấy được, các bạn dùng tay chà vào kính trong hồ sẽ thấy nhớt nhớt. Các chế phẩm sinh học cũng xử lý được vấn đề này.

- Thúc đẩy sự phát triển của các vi khuẩn có lợi cho cá cảnh, tiêu diệt các vi khuẩn có hại

- Ngăn ngừa, phòng 1 số bệnh thường gặp ở cá cảnh

- Khi sử dụng các chế phẩm sinh học làm trong nước hồ cá thì các bạn tuyệt đối không nên sử dụng các chất khử trùng, thuốc kháng sinh trực tiếp, vì như thế sẽ làm giảm hoặc mất tác dụng của chế phẩm sinh học.

Hiện nay trên thị trường có bán rất nhiều loại chế phẩm sinh học làm trong nước hồ cá, các bạn cần tìm hiểu kỹ sản phẩm uy tín trước khi sử dụng nhé.

TÁC DỤNG CỦA MEN VI SINH

Men vi sinh là tên thường gọi của chế phẩm sinh học có các vi sinh vật sống có lợi. Tùy theo mục đích sử dụng mà các vi sinh vật này có thể là vi khuẩn hoặc vi nấm. Khi được cho vào môi trường sống thích hợp, các vi sinh vật này sẽ hoạt động. Một số loại men vi sinh thông dụng như: men sữa chua, men rượu, men bánh mỳ, men xử lý nước, rác thải, men tiêu hóa, ...

     Sử dụng men vi sinh cho cá cảnh nói riêng và thủy sản nói chung đều rất tốt cho  môi trường và vật nuôi. Trong nuôi cá cảnh, có 2 yếu tố quyết định sự thành công là môi trường nước và thức ăn.

 

- Nước: Hồ nuôi cá cảnh là một hệ thủy sinh thái khép kín và thường bị ảnh hưởng bởi các yếu tố tác động từng ngày do nguồn thức ăn (thức ăn tươi sống, thức ăn chế biến), và nước sử dụng (thay nước, tính chất hóa lý, vi sinh). Người nuôi cá cảnh chỉ có thể kiểm soát được một phần tính chất hóa lý của nước còn thành phần hữu cơ, vi sinh trong nước chưa được chú trọng. Vi sinh trong hồ là một thành phần thiết yếu do chúng tạo nên một phần sự cân bằng sinh thái cho nước, phân giải các chất thải và hữu cơ, … Đối với mộ số hồ nuôi cá cảnh thông thường thì hệ vi sinh tự nhiên không bao giờ đủ để làm cho nước trong sạch và mất mùi tanh hôi do không chuyển hoá hoàn toàn các chất hữu cơ trong thời gian ngắn. Các sản phẩm trung gian khi phân hủy các chất hữu cơ đó là NO2, H2S, NH3, … Các chất này tích tụ sẽ gây độc cho cá và làm đục nước. Việc thay nước thường xuyên tốn nhiều thời gian, tiền của và công sức.

- Thức ăn: Thức ăn tuơi (cá, trùn chỉ, tép ...) hiện nay chỉ có một số hàng đông lạnh có uy tín mới đảm bảo an toàn cho cá cảnh, còn lại không kiểm soát được mầm bệnh. Ký sinh trùng, vi khuẩn và virus là mầm bệnh phổ biến. Thêm vào đó, điều kiện sống nuôi nhốt (thường là trong bể) sẽ làm giảm sức đề kháng của cá.

Từ những yếu tố trên và để chủ động tạo nguồn nước “tự nhiên”, người ta đã tuyển chọn những chủng vi sinh tối ưu tổng hợp nên men vi sinh xử lý nước nuôi hiệu quả. Các vi sinh có lợi này rất an toàn, dễ sống trong nước ít chất dinh dưỡng và lấn át được vi sinh có hại. Chúng phân hủy hoàn toàn các chất hữu cơ dư thừa và chất thải trong nước đồng thời tiết ra một số chất diệt nấm và kháng khuẩn khác. Do đó dùng men vi sinh ngay từ giai đoạn đầu thả nuôi và liên tục theo đúng hướng dẫn của nhà sản xuất sẽ giúp cá nuôi khỏe mạnh; không bị các bệnh nhiễm khuẩn, nấm; kéo dài được thời gian giữa 2 lần thay nước (2 - 3 tháng) và ổn định pH của nước. Người nuôi cá cảnh cần lưu ý chọn mua các loại men vi sinh của các nhà sản xuất có uy tín trên thị trường.

Sau 7 - 10 ngày nên bổ sung men vi sinh lần, tuy nhiên còn tùy theo mật độ cá và trọng lượng của cá mà điều chỉnh cho thích hợp. Tuy nhiên, cần lưu ý không sử dụng chung men vi sinh với kháng sinh do kháng sinh sẽ ức chế sự phát triển của vi sinh vật. Khi cá bị bệnh nên điều trị cá trong bể riêng. Sau đợt điều trị nên bổ sung men tiêu hóa theo đường thức ăn cho cá nhằm giúp cân bằng lại hệ vi sinh đường ruột của cá, mặt khác cũng nên bổ sung men vi sinh xử lý nước để ngăn ngừa bệnh và làm sạch nước.

 

 Nguồn: Phước Vinh

MƯỜI BƯỚC THỰC HIỆN MỘT BỂ CÁ CẢNH

Một bể cá cảnh kết hợp với cây thuỷ sinh sẽ làm cho người chơi thích thú hơn. Bạn cũng muốn có một bể thuỷ sinh sinh động như thế, bạn muốn tự tạo một bể thuỷ sinh theo ý tưởng của riêng mình. Sau đây là các bước giúp bạn thực hiện một bể thuỷ sinh.

1.Chọn bể.

Phác thảo sơ qua ý tưởng thiết kế bể thuỷ sinh, rồi chọn bể thích hợp.

Nên tìm hiểu kỹ vị trí đạt bể thuỷ sinh nặng hơn bể cá thông thường do phân, nền, cát, sỏi và các phụ kiện như đèn, quạt…. Một cái hồ 80x40x40cm sẽ nặng khoảng 200-250kg…..do đó nền nhà cũng như chân đế của hồ phải thật chắc chắn.

 

2.Trải lớp nền.

Trải một lớp phân bón, cát sỏi làm nền dưới đáy hồ. Nền là nơi chứa dưỡng chất cung cấp cho cây, cũng là nơi để trồng cây nên cần có cấu tạo sao cho cây có thể bám rễ và không gây đục nước. Ngoài ra, nền cũng là chỗ ở của vi sinh.

 

3. Cho nước vào bể.

Dùng túi nylon ngăn vòi nước để không làm đục nước, dòng chảy sẽ không làm hư lớp sỏi nền và làm xí phân lên.

 

4. Sắp xếp các viên đá.

Các viên đá cũng góp phần hoc vẻ mỹ quan cho bể thuỷ sinh đồng thời giữ cho cây thuỷ sinh bám chặt vào đáy bể. Hãy sắp xếp các viên đá theo ý tưởng của bạn sao hoc á tôn lên được giá trị của bể.

 

5. Gắn các cây xanh vào bể.

Chọn những loại cây mà bạn thích trong số những cây thuỷ sinh có bán trên thị trường. Tuỳ vào từng vào đặc điểm của từng loại cây mà ta bài trí ở các vị trí khác nhau trong bể. Ví dụ cây rong Mái chèo và rau Mác là các loại cây rất lý tưởng để trồng để che phía sau và các cạnh của bể. Còn các cây rậm rạp dùng để trồng đầy ở các góc ( trước các cây cao hơn) như rau Dừa, Đình lịch, rau Cần trôi. Lại có những cây nên trồng ở mặt tiền trông rất thú vị nếu chúng được đặt trước mảnh đá, phải là cây thấp hơn và sinh trưởng chậm hơn, ta có thể chọn cỏ Năng và Thạch xương bồ.Khi trồng cây, vật không thể thiếu là một cái kẹp dùng trong y tế ( loại lớn, dài trên 30cm) dùng để kẹp phần rễ cây và trồng xuống sỏi. Trong môi trường nước, lớp sỏi trở nên nhẹ và rời rạc, không thể dùng tay được.

 

6. Đặt bộ lọc.

Những bộ lọc bể cá thông thường không thể sử dụng trong bể thuỷ sinh vì chúng thường được thiết kế phần gòn lọc trên mặt bể, nhưng bể thuỷ sinh phải để đèn ở đó. Các bộ lọc có thể dùng cho bể thuỷ sinh là:

Lọc ngoài: thiết bị lọc hoàn chỉnh nằm rời, hường để dưới phần chân bể, chỉ có 2 ống nước vào ra là nằm trong bể.

Lọc tràn: làm bằng kính, được thiết kế cố định tại một góc bể, lọc nước bề mặt nên xử lý váng vi sinh rất tốt, tuy nhiên nó chiếm một phần lớn thể tích trong bể nên thích hợp cho bể cỡ lớn ( trên 200l).

Lọc thác: công suất nhỏ và yếu, thích hợp cho bể nhỏ ( khoảng 60l hoặc nhỏ hơn).

 

7. Gắn đèn huỳnh quang.

Vì được sử dụng để thay thế cho ánh sáng mặt trời trong thiên nhiên nên loại đèn được sử dụng phổ biến là đèn huỳnh quang day-light, với công suất tương đối từ 0.5 – 1wat/lít nước. Các loại đèn màu xanh, hồng….cho bể cá cảnh thông thường không thể sử dụng cho bể thuỷ sinh. Chỗ đặt bể càng khuất càng tốt vì như thế, chúng ta có thể kiểm soát hoàn toàn ánh sáng cho cây trong bể. Chiều dài của bể không dài hơn chiều dài thực của bòng đèn huỳnh quang thông dụng quá 10cm để có thể bố trí ánh sáng hợp lý hơn, ví dụ như bể dài 35 – 40cm là phù hợp với bóng đèn dài 30cm. Bể cũng cần có chiều rộng ( bề ngang) không quá hẹp để dễ bố trí cây theo hướng xa – gần, cao xa phía trong và thấp dần ở phía trước….

 

8. Nhiệt độ.

Nhiệt độ thích hợp cho bể thuỷ sinh thường là dưới 290c là phù hợp. Khi nhiệt độ nước lên cao trên mức này, có thể bỏ nước đá vào bao nilon hoặc dùng gel làm lạnh trong quạt hơi nước ( loại quạt tản nhiệt cho máy tính)…

Ngoài nhiệt độ ra, chúng ta cũng nên chú ý để nồng độ CO2 cần thiết cho cây quang hợp vì lượng CO2 do cá tạo ra mặt thoáng của nước nhận từ không khí là không đủ, nhất là những bể trồng nhiều cây.

 

9. Thả cá vào bể thuỷ sinh.

Không nên thả cá vào bể ngay mà nên trồng cây trước khoảng 7-10 ngày sau, khi hệ vi sinh trong bể ổn định sẽ an toàn hơn hoc á và cây. Khi mua cá nên hỏi người bán về loại cá nào không cắn nhau, không ăn cây thuỷ sinh.

 

10. Mỗi tuần thay ¼ nước bể

Việc thay nước thường xuyên sẽ đảm bảo môi trường nước trong bể luôn sạch sẽ. Điều này rất cần thiết cho sự phát triển khoẻ mạnh của các loại cây thuỷ sinh và cá sống trong bể.

 

                                                                                                                                                        (ST)

BACILLUS SUBTILIS VÀ ĐẶC TÍNH TRỊ LIỆU

Bacillus subtilis được Ferdinand Cohn- một cộng sự của Robert Koch mô tả và đặt tên năm 1872. Đó là 1 loại vi khuẩn Gram dương, có khả năng mọc được khi có sự hiện diện của oxi và có thể tạo thành dạng đặc biệt khi tế bào ở trạng thái nghỉ được gọi là nội bào tử (endospore). B.subtilis là vi khuẩn đại diện cho loài (genus) Bacilluscủa họ Bacillaceae (family). Năm 2004, dựa trên phương pháp phân tích 16S rRNA người ta phân chia loài Bacillus thành nhiều họ và loài vi khuẩn tạo bào tử khác nhau. Những thành viên của họ Bacillus được đề cập ở đây là loại vi khuẩn “ gram dương, kỵ khí hay kỵ khí tùy tiện, tạo nội bào tử”. Về cơ bản theo phân loại của Bergey,B.subtilis thuộc:

 

-         Giới (kingdom): Bacteria

-         Ngành (phylum): Firmicutes

-         Lớp (class): Bacilli

-         Bộ (order): Bacillales

-         Họ (family): Bacillaceae

-         Loài (genus): Bacillus

 

Tính chất: phân bố rộng rãi và đa dạng  của loài Bacillus trong tự nhiên cũng như việc đề kháng bất thường của bào tử đối với các tác nhân hóa học và vật lý, chu kỳ hình thành bào tử, việc giáng hóa hầu hết các cơ chất có nguồn gốc thực vật và động vật bao gồm: cellulose, tinh bột, pectin, protein, agar, các hydrocarbons và các chất khác, sự tạo thành các chất kháng sinh, độc tố, nitrat hóa (nitrification), khử nitrat (denitrification), cố định ni tơ, kiềm hóa, axit hóa, ưa lạnh, ưa nhiệt, ký sinh ….tiếp tục là đề tài hấp dẫn đối với các vi khuẩn này từ khi chúng được phát hiện bởi Cohn và Koch vào những năm 1870 cho đến nay.

  

Đặc tính trị liệu

 

Từ lâu, người ta đã biết đến khả năng kháng khuẩn của B. subtilis, những người nông dân của nhiều nước từ xa xưa, một cách vô tình họ đã dùng nước ngâm rơm rạ cho trâu bò uống để chữa bệnh viêm ruột. Chính sự có mặt của B. subtilis là nguyên nhân chữa được bệnh này. Nhưng mãi đến năm 1949-1950 Henry, Albot và cộng sự đã phân lập thành công B. subtilis thuần khiết. Từ đó, chúng mới dùng để điều trị các chứng viêm ruột, viêm đại tràng, chống tiêu chảy do lạm dụng kháng sinh hoặc do loạn khuẩn gây ra với tên gọi là “Subtilistherapie” (điều trị bằng subtilis). B. subtilis có vai trò lớn trong việc giữ ổn định thế quân bình vi khuẩn chí ruột bằng cơ chế cạnh tranh sinh tồn  và khả năng gây ức chế các vi khuẩn gây bệnh ở đường ruột do tác dụng bởi những sản phẩm tiết của nó. Công trình nghiên cứu của Work và cộng sự năm 1959 đã cho biết B. subtilis có hệ thống men tương đối hoàn chỉnh có khả năng thủy phân glucid, lipid, protid, enzym cenlulase biến đổi chất xơ thành các loại đường dễ tiêu, lecitinase thủy phân các chất béo phức hợp, enzym phân giải gelatin, enzym phân giải fibrin và một loại enzym giống lysozym gây tác dụng trực tiếp dung giải một số typ vi khuẩn Proteus gây bệnh trong đường ruột. B. subtilis còn được đánh giá là một trong những loại vi khuẩn an toàn và hiệu quả nhất  để sử dụng trong ngành công nghệ sinh học sản xuất các axit amin quan trọng như: lysine, valine, tyrozine, proline, threonine, isoleusine, aspastic…

 

            Ngoài ra B. subtilis còn có khả năng tổng hợp một số chất kháng sinh có tác dụng ức chế sinh trưởng hoặc tiêu diệt một số vi sinh vật khác, tác dụng lên cả vi khuẩn gram âm lẫn gram dương, nấm gây bệnh như: Bacitracin, Bacilysin, Baxilomicin (A,B,C,R), Bacillopectin, Mycobacillin, Subtilin (A,B,C), Prolimicin…Nhờ các kháng sinh này mà B. subtilis có khả năng cạnh tranh tốt với các vi khuẩn khác và  người ta đã ứng dụng chúng để tái tạo lại sự cân bằng vi khuẩn trong ruột. B. subtilis còn có khả năng đồng hóa một số vitamin như  B2 (Riboflavin) đóng vai trò quan trọng trong hoạt động sống của cơ thể động thực vật, có mặt trong tất cả các tế bào, tham gia vào các quá trình dinh dưỡng và hô hấp của sinh vật. Trong 1 gam sinh khối khô Bacillus có 7,8µg riboflavin

 

            Nhiều nước trên thế giới đã dùng B. subtilis như là một chế phẩm trợ sinh hay còn gọi là probiotic, chứa các vi sinh vật sống có tác dụng làm cải thiện hệ vi sinh vật ở cơ thể vật chủ.

 

            Các chế phẩm từ B. subtilis được bán ở hầu hết các nước châu Âu ngay khi còn biết ít về cơ chế tác dụng của chúng. Bào tử của B. subtilis có thể qua được rào chắn tiêu hóa, một phần bào tử nảy mầm trong ruột non và sinh sôi trong đường ruột. Ngoài ra một số tác dụng lâm sàng của B. subtilis đã được biết như là tác nhân kích thích miễn dịch, nhờ tác dụng kích thích tiết IgA, một loại globulin tiết có trên bề mặt tế bào biểu mô niêm mạc có khả năng ức chế, ngăn chặn vi sinh vật gây bệnh xâm nhập vào cơ thể. 

Cơ chế tác dụng

 

Bacillus subtilis tồn tại trong sinh phẩm ở trạng thái bào tử, nhờ vậy khi uống vào dạ dày nó không bị axit cũng như các men tiêu hóa ở dịch vị phá hủy . Ở ruột, bào tử nảy mầm và phát triển thành thể hoạt động. Giai đoạn này, B. subtilis tổng hợp nhiều chất có hoạt tính sinh học có lợi cho cơ thể như các enzym thủy phân, các vitamin, axit amin...

Một số enzym như protease, α-amylase và một số enzym khác hoạt động mạnh có lợi cho tiêu hóa ở ruột, chúng có vai trò:

  •    Làm cho pH ở ruột ổn định, hạn chế sự phát triển của vi khuẩn sinh hơi và vi khuẩn gây bệnh.

 

  •   Cung cấp ngay cho cơ thể một số men cần thiết, làm cho tiêu hóa trở lại bình thường trong khi hệ vi khuẩn ở ruột chưa lập lại trạng thái cân bằng.

 

  •   Ở thành bào tử B. subtilis có enzyme giống như lysozyme có khả năng dung giải trực tiếp một số vi khuẩn gây bệnh như: Proteus, Staphylococus, E.coli.

 

Các chất kháng sinh do B. subtilis tiết ra có tác dụng ức chế sự phát triển và tiêu diệt một số loài vi khuẩn gây bệnh tạo điều kiện cho các vi khuẩn chí bình thường ở ruột phát triển tái lập lại trạng thái cân bằng. Ở trong ruột, các chất sinh học này không chỉ được giải phóng khi B. subtilis còn sống mà ngay cả khi chúng đã chết, xác vi khuẩn vẫn tiếp tục giải phóng ra các enzym, kháng sinh, vitamin có lợi cho cơ thể.

 

Có nhiều nghiên cứu cho thấy rằng không nhất thiết là probiotic sống mới có lợi cho đại tràng vì tác dụng này xảy ra gián tiếp qua chuỗi AND kích thích miễn dịch không methyl hóa. Vi khuẩn probiotic có thể ức chế viêm đại tràng thông qua các thành phần cấu trúc được nhận diện bằng thụ thể đặc hiệu của miễn dịch bẩm sinh như tương tự thụ thể “Toll”. B. subtilis không nhân lên trong ruột, chúng chỉ chuyển từ dạng bào tử sang dạng hoạt động rồi bị đào thải hoàn toàn. Như vậy khả năng cạnh tranh của B. subtilis đối với  vi khuẩn gây bệnh không chỉ ở số lượng tế bào vi khuẩn mà còn nhờ vào các hoạt chất sinh học mà nó tiết ra. Trong những năm gần đây, khoa vi sinh vật của bệnh viện Bạch Mai đã đánh dấu hỗn dịch B. subtilis bằng đồng vị phóng xạ trong điều trị bệnh đường ruột và kết luận: “Hỗn dịch B. subtilis sau khi vào cơ thể chuột lang, được tập trung rất nhiều trong ruột già, lưu giữ tại đó một lượng đáng kể cho đến ngày thứ ba và không đi vào máu”. Như vậy để điều trị các bệnh đường  ruột, khắc phục tình trạng rối loạn tiêu hóa sau khi dùng kháng sinh lâu dài thì B. subtilis là một vũ khí lợi hại, rẻ tiền, dễ sử dụng, có thể áp dụng rộng rãi trong điều trị. Các chế phẩm trợ sinh từ B. subtilis khi đi vào cơ thể có tác dụng theo bốn cơ chế chủ yếu:

 

  •    Trung hòa độc tố.

  •    Cạnh tranh với mầm gây bệnh

  •    Thay đổi chuyển hóa của vi sinh vật

  •    Kích thích miễn dịch của cơ thể vật chủ.

  •  

Nhờ các cơ chế tác dụng này  B. subtilis mang các đặc tính trị liệu và hiện nay đã được sử dụng rộng rãi làm chế phẩm sinh học dưới dạng men tiêu hóa sống.

 

     (ST) 

bottom of page